Quá trình hoạt động Chiêu_hồi

Tại miền Nam

Sau năm 1963 thì phân ban Chiêu hồi trực thuộc Phủ Thủ tướng. Năm 1965 thì chuyển sang Bộ Thông tin.[11] Sang thời Đệ Nhị Cộng hòa thì chính phủ Việt Nam Cộng hòa nâng Phủ Đặc ủy Dân vận Chiêu hồi thành Bộ Chiêu hồi để điều hành hệ thống Chiêu hồi trên khắp 44 tỉnh thành của bốn vùng chiến thuật. Mỗi tỉnh thì có Ty Chiêu hồi.

Năm 1967 Việt Nam Cộng hòa đưa ra chính sách "Đại đoàn kết". Theo Việt Nam Cộng hòa, các thành phần bị chiêu hồi không những được giúp đỡ để tái định cư và đoàn tụ cùng gia đình mà còn được sử dụng tài năng tương xứng với công việc ở bên kia chiến tuyến. Chính sách này chưa có mấy tác dụng thì cuộc Tổng Tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 xảy ra. Sự kiện này làm gián đoạn chương trình Chiêu hồi vì tình hình an ninh bất ổn, nhưng đến năm 1969 thì số lượng bị chiêu hồi lại tăng, đạt tổng số 47.023 người cho năm 1969.[12]

Người bị chiêu hồi được chuyển vào một trong hơn 200 trại để học tập chính trị trong thời gian từ bốn đến sáu tuần. Cùng lúc đó họ được phát quần áo và thức ăn, đến khi xuất trại thì trả về nguyên quán hoặc định cư ở những vùng ấn định. Khi nhập trại thì người bị chiêu hồi lãnh 1.500 đồng tiền quần áo, 300 đồng cho mỗi tháng tại trại, và khi xuất trại thì được 1.200 đồng. Trên toàn quốc có 38 làng chiêu hồi để những người bị chiêu hồi định cư.[13] Một số được kết nạp vào Cục Tâm lý chiến.[14]

Người bị chiêu hồi bao gồm cả đàn ông và phụ nữ, xuất thân là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, cán bộ tập kết hoặc cán bộ gốc Bắc. Một phần trong số những người bị chiêu hồi trở mặt với đồng đội cũ để chỉ điểm, chống phá các cơ sở và giúp đỡ cho Việt Nam Cộng hòa đánh thắng đối phương. Rất nhiều thành viên Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam dứt khoát với quá khứ. Tuy nhiên chính sách chiêu hồi này lại bị nhiều sĩ quan, viên chức lợi dụng để kiếm chác, gây lãng phí tài chính, hoặc diễn ra tình trạng thổi phồng số liệu để tham ô thêm tiền từ ngân sách. Nghiêm trọng hơn, phía Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt NamChính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lợi dụng chính chính sách chiêu hồi này để cài cắm điệp viên, thậm chí xây dựng cả mạng lưới điệp báo trong lòng lực lượng Việt Nam Cộng hòa.

Theo số liệu của Việt Nam Cộng hòa đưa ra, trong thời gian từ năm 1963 đến 1973 chương trình Chiêu hồi thu nhận hơn 194.000 người bị chiêu hồi, tức là "loại được bấy nhiêu quân đối phương khỏi chiến trường" không cần dùng đến súng đạn.[15] Ngày 18 tháng 2 năm 1973 Bưu chính Việt Nam Cộng hòa cho phát hành con tem "Chiêu hồi" trị giá 10 đồng, kỷ niệm người bị chiêu hồi thứ 200.000.[16]. Tuy nhiên, con số 200.000 là một con số gây tranh cãi, bị nghi ngờ là thổi phồng quá cao so với thực tế, bởi tổng quân số của Quân Giải phóng miền Nam Việt NamQuân đội Nhân dân Việt Nam ở miền Nam chỉ là 219.000 người[17]

Về mặt văn hóa chương trình Chiêu hồi phổ biến nhiều nhạc phẩm được phát thanh trên đài vô tuyến Việt Nam, trong đó nhạc sĩ Anh Bằng có nhiều tác phẩm như "Bóng đêm", "Đôi bóng", "Nếu hai đứa mình", "Nếu ai có hỏi", "Giấc ngủ cô đơn"... đều là những bản nhạc có lời nhắn nhủ thành viên Việt Cộng quay về với gia đình.[18] Phía Việt Nam Cộng hòa cũng có hoạt động sử dụng loa truyền thanh lắp trên máy bay L-19 để hướng dẫn chiêu hồi. Theo đó, người lính QGP khi ra chiêu hồi phải cầm giấy chiêu hồi, đeo súng với mũi súng hướng xuống đất. Phía Mỹ-VNCH cũng sử dụng âm nhạc để "ru ngủ" tinh thần chiến đấu của Quân Giải phóng nhưng hoạt động này gây phản tác dụng khi lại gây suy sụp tinh thần cho lính Mỹ và Việt Nam Cộng hòa nhiều hơn là gây ra cho lính Quân Giải phóng.[19]

Về truyền đơn, chính quyền Sài Gòn mỗi ngày sản xuất 1.000.000 truyền đơn khổ 11x14cm hoặc 100.000 bích chương khổ 44x57cm hoặc 100.000 sách loại tìm hiểu học tập khổ 11x14cm dày 16 trang không xếp đóng hoặc 50.000 quyển khổ 14x22 cm dày 16 trang hoặc 5.000 quyển 32 trang in khổ 21x27 cm hoặc 160.000 khẩu hiệu 22x27cm hoặc 50.000 phụ trang báo Tiền Tuyến 2 mặt, hai màu cỡ 44x57cm. Theo hãng tin AP (Mỹ) đưa tin vào năm 1966, ố truyền đơn mà Mỹ rải xuống miền Bắc Việt Nam đã đủ để cuốn hai vòng đường xích đạo. Tháng 3/1969 đã rải 713,4 triệu tờ truyền đơn bằng máy bay và rải 3,3 triệu tờ bằng tay. Đến năm 1973 trung bình hàng tháng rải 60 triệu truyền đơn. Máy bay C130 mỗi lần bay có thể rải được 11 triệu tờ truyền đơn. Tại miền Nam, trong các truyền đơn rải xuống miền Nam có rất nhiều tờ giấy thông hành có quốc kỳ 6 nước đồng minh Hoa Kỳ, Australia, Thái Lan, Tân Tây Lan, Nam Hàn, Philippines, có ảnh một lính Cộng hòa chỉ đường cho một bộ đội Giải phóng và lời kêu gọi bộ đội Cộng sản quay về với Việt Nam Cộng hòa do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký tên. Trong các truyền đơn ném xuống miền Bắc có nội dung biện hộ cho sự ném bom của Mỹ, kêu gọi nhân dân miền Bắc không tham gia bảo vệ các mục tiêu quân sự và hệ thống giao thông, kêu gọi nhân dân miền Bắc giúp đỡ phi công Mỹ bị bắn rơi và hứa thưởng 50 lạng vàng, có chữ ký photo của Bunker Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Một trong những tờ truyền đơn mà cơ quan tâm lý chiến Mỹ và chính quyền Sài Gòn cho là thành công nhất có lời kêu gọi binh lính Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam quay về với gia đình, nói về nỗi khổ sở đói rét ở Trường Sơn, nỗi buồn chán và tâm tình nhớ quê hương với cả một bài thơ dài gửi mẹ ở hậu phương.[8]

Bộ máy chiêu hồi của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã dùng đến 50 chiếc máy bay OV10, O2B có máy ghi âm và băng ghi âm sẵn, đài phát công suất 1.000W ghi tiếng nói của các chiêu hồi viên bay và phóng thanh trên các hành lang, khu căn cứ để tác động vào tinh thần cán bộ chiến sĩ Giải phóng.[9]

Tại miền Bắc

Để phục vụ cho các mục tiêu tâm lý chiến, Hoa Kỳ và chính quyền Sài Gòn đã chi một lượng lớn kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật cho bộ máy tuyên truyền của mình. Để phát thanh thì họ dùng máy phát mạnh 10KW sóng trung có thể phát sóng trên toàn miền Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc. Đầu năm 1967, phát sóng 12 giờ một ngày. Năm 1970, tổng số giờ phát sóng tăng lên 46 giờ trên nhiều tần số. Riêng Đài Tiếng nói Hoa Kỳ phát 17 giờ một ngày cho riêng miền Bắc. Từ giữa năm 1967 đến 1971, số giờ phát của đài này cho các chương trình vào Việt Nam còn tăng gấp ba lần với nhiều sóng khác nhau. Hoa Kỳ cũng huy động cả Đài Á Châu Tự Do lúc đó có trụ sở ở Hàn Quốc để tăng cường.[9]

Trong chương trình chống phá miền Bắc bằng chiến tranh tâm lý, chiêu hồi, Nhóm nghiên cứu và quan sát thuộc Bộ chỉ huy trợ giúp quân sự Mỹ ở Việt Nam (SOG) đã đề nghị dùng Đài tiếng nói Gươm thiêng ái quốc kích động nhân dân ám sát cán bộ miền Bắc. Tháng 5-1965, Văn phòng Truyền thông hỗn hợp Hoa Kỳ (JUSPAO) được lập theo một chỉ thị của Nhà Trắng để phối hợp mọi hoạt động tâm lý chiến, chiêu hồi của Mỹ ở Việt Nam, trong đó có hoạt động tâm lý chiến bí mật chống miền Bắc dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào và Campuchia. Giám đốc của JUSPAO đề ra phương hướng cho một số cơ quan quân sự và dân sự tham gia vào hoạt động tuyên truyền "đen", "xám", "trắng”.

  • Trắng: Sử dụng chính các cơ quan truyền thông của Mỹ và chính quyền Sài Gòn để tuyên truyền chống phá miền Bắc. Các cơ quan truyền thông này nhận tài chính và chỉ đạo của chính phủ Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Theo Trung tướng Trần Độ của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa đã sử dụng chính bộ máy tuyên truyền của mình để bóp méo thông tin chiến trường, biến các thất bại thành thắng lợi. Truyền thông bị điều khiển của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa đã vu khống Quân Giải phóng gây ra các vụ thảm sát mặc dù chính những vụ thảm sát ấy là do lính Mỹ và Việt Nam Cộng hòa gây ra. Hoạt động này diễn ra ở cả hai miền.[10]
  • Đen: Sử dụng bộ phận phản bội của Đảng Lao động Việt Nam, những người bị chiêu hồi để vu khống Hà Nội bán nước cho Trung Quốc và cho rằng Trung Quốc đã đẩy Việt Nam vào cuộc chiến tranh. Đồng thời, vu cáo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, hay Việt Cộng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là bù nhìn của Hà Nội. Luận điểm chính là Nam Việt Nam là của người miền Nam, người miền Bắc không được can thiệp. Thông qua lực lượng này để đưa các thông tin sai lệch về tình hình chiến trường, chính trị-xã hội ở cả hai miền. Sử dụng lực lượng này để vu cáo miền Bắc "xâm lược" miền Nam. Đồng thời, thông qua thông tin sai lệch của những người phản bội làm mất lòng tin của nhân dân và cán bộ miền Bắc.[20][21]
  • Xám: Chuyển tải thông tin không cần che đậy kỹ lưỡng... Tuyên truyền xám chỉ giấu được nguồn tin đối với người ít quan tâm chứ không phải những người nghe tinh tế. Những chủ đề chính bao gồm: Chống lại sự tuyên truyền của Hà Nội; cung cấp thông tin cho dân chúng miền Bắc về cuộc sống ở thế giới tự do; đưa tin tức chính xác về chiến tranh; và cung cấp cho dân chúng miền Bắc cơ sở để so sánh điều kiện sống của họ với miền Nam. Năm 1968, đài này phát tổng cộng 75 tiếng một ngày bằng năm thứ tiếng.

SOG còn tạo ra đài Hà Nội giả để đưa tin sai lệch hoặc có những đánh giá không khách quan về tình hình chiến trường hay về tình hình xã hội miền Bắc. Bộ phận kỹ thuật của SOG bí mật chặn đài phát thanh của đối phương và phát chương trình của mình thay vào tín hiệu của đài phát thật. Các Chương trình phát thanh của miền Bắc và các kênh thông tin điện tử chính thức bị ngăn chặn và thay thế bằng các chương trình khác. Ví dụ như gây nhiễu chương trình thời sự của đài phát thanh Hà Nội và thay vào đó bằng các thông tin mâu thuẫn nhau. Hoạt động phát thanh đen của SOG bị giới hạn vì dân miền Bắc không có đài thu thanh. Thông qua hoạt động có mật danh Peanuts, SOG đặt hàng sản xuất đài bán dẫn từ Nhật Bản, được cố định tần số để chỉ nghe được các đài phát thanh của SOG. Hàng ngàn chiếc máy thu thanh kiểu này được đưa vào miền Bắc dưới dạng các gói quà được thả từ máy bay xuống hoặc thả nổi từ biển vào; một số khác được các toán thám báo đưa vào vùng căn cứ của đối phương (ở Lào hoặc Campuchia), đựng trong hộp có ghi tên thật hoặc giả của bộ đội. Tại thời điểm năm 1968, chương trình Peanuts đã tung đi trên 10.000 đài thu thanh.

Dùng máy bay C130, SOG dễ dàng tung hàng chục ngàn truyền đơn, một số lượng lớn truyền đơn không ghi nguồn gốc hoặc ghi nguồn gốc giả được chở bằng đường hàng không thả vào miền Bắc. Về truyền đơn, có nhiều loại với hai mục đích là kêu gọi sự ủng hộ đối với Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ bên cạnh việc tác động tới tâm lý một số nhóm người nhất định, trong đó cộng đồng Thiên chúa giáo được ưu tiên tác động. Tương tự như truyền đơn, gói quà được gửi từ nguồn không ghi địa chỉ hoặc địa chỉ giả. Các gói quà bao gồm: giấy viết, xà phòng, bút chì, nến, khăn tắm, vải vóc, sách vở... Tuy nhiên chúng không có thực phẩm vì Mỹ biết rằng đối phương sẽ dùng lượng lương thực này để chống lại Mỹ. Năm 1967, chỉ riêng qua đường hàng không, 22.000 gói quà được rải khắp miền Bắc vào ban đêm.

Việc làm giả có vai trò trọng yếu trong công việc của SOG, bao gồm sản xuất và lưu hành thư từ, tài liệu giả có vẻ bề ngoài giống như thật. Đối tượng chủ yếu của hoạt động làm giả là quan chức của chính phủ và cũng có thể nhằm vào đông đảo quần chúng. Hoạt động thư từ “đen” của SOG bao gồm nhiều biến thể khác nhau và có thể được chia làm hai dạng chính. Dạng thứ nhất liên quan tới thư "bút độc”. Trong chiến tranh Việt Nam, CIA xây dựng những cơ sở dữ liệu đặc biệt về Bắc Việt Nam, trong đó có thông tin về cán bộ trung cao cấp trong chính quyền, quân đội, và Đảng với địa chỉ cơ quan hoặc nhà riêng của họ. Và thế là số cán bộ này trở thành đối tượng lý tưởng của các thư "bút độc" gửi từ Paris, Hồng Kông, Tokyo hoặc Băngkốc. Tương tự như các hoạt động khác của SOG, nội dung của những lá thư này là nhằm đánh vào ý thức cảnh giác của chính phủ Hà Nội. Những lời lẽ trong thư nhằm tạo ra câu hỏi về sự trung thành của người cán bộ này.[22]

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng rải tiền (miền Bắc) giả làm suy yếu lòng tin của nhân dân đối với đồng tiền Ngân hàng Việt Nam. Các đồng tiền giả này không cần giống y như tiền thật nhưng quan trọng là các dòng chữ kèm theo: "Đồng tiền ngày càng mất giá và hàng hóa ngày càng khan hiếm, giá hàng sẽ còn lên cao. Tiết kiệm của bạn sẽ trở thành những mẩu giấy không có giá trị" hoặc: "Hãy đề phòng một cuộc đổi tiền tương tự năm 1959. Các bạn có thể mất hết của cải và kết quả mồ hôi nước mắt của các bạn".[8]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiêu_hồi http://lienmang-vietsan.50webs.com/HN_toiTimTuDo22... http://docs.google.com/viewer?a=v&q=cache:jp0dpOaT... http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp... http://www.psywarrior.com/ChieuHoiProgram.html http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=5&nid=11739 http://www.virtual.vietnam.ttu.edu/cgi-bin/starfet... http://www.batkhuat.net/tl-nn-trove-daigiadinh-dan... http://www.daiviet.org/dvc2.asp?action=vdt&mdn=826... http://www.ibiblio.org/pub/electronic-publications... http://www.rand.org/content/dam/rand/pubs/reports/...